Vì trẻ em là mùa xuân
Một năm bắt đầu từ mùa xuân
Đời người bắt đầu từ tuỔi TRẺ
Thơ là thế, nhạc là thế, thậm chí khẩu hiệu lập thành tích nơi trần gian
cũng là thế, nhưng...
Có một thực tế rất và rất nhiều trẻ
thơ, và ngay cả những trẻ thơ con đang hoài thai trong bụng mẹ đã chạm ngay vào
giá lạnh của mùa đông bởi những nghịch cảnh chúng không hề muốn chút nào. Trong
chuyến đem mùa xuân đi vạn nẻo đường, chúng tôi, thiện nguyện Tín Thác muốn
dành chút nắng xuân ấm nhất đến với các em, những trẻ em thiệt thòi, và một số
chị em phụ nữ sinh con hoặc đang mang thai bởi hoàn cảnh éo le, các em và các
chị cùng con cái tụ hội về chờ chúng tôi trong sân một trường học nhỏ.

Trường học của bao la lòng mẹ
Trường học tình thương thánh tâm
trên một con đường nhỏ thật khiêm nhường và kín đáo, trường ấy cũng có một nét
riêng không giống bất cứ trường học nào, khoan vội tìm hiểu về ngôi trường, chúng
ta dành chút thời gian tìm hiểu về môi trường quanh vùng đã nhé.
Củ Chi một vùng đất cằn khô, người ta
ví von là đất thép, sau những nghiệt ngã gian lao của chiến tranh đã có thời
vùng đất này là một vùng...trắng. Trắng nhiều thứ, bạc trắng đất cằn đá sỏi, nắng
trắng cháy thịt da, cây cối muốn mọc, mọc cũng chả xong, tứ tán lòng người, trắng
tới bơ vơ một tiếng chuông ngân, đời sống đạo có lúc chẳng có giáo dân cũng
tưởng chừng...trắng nốt.
Như một thân thể gượng dậy sau cơn
bệnh, củ chi cũng dần hồi sinh, để hồng hào hơi thở cuộc sống, và cuộc
sống nơi này cũng hồng những gót chân son đầy can đảm, trong âm thầm tĩnh lặng.

Cho dù chính quyền thế tục họ hết sức
cố gắng, song khi củ chi bùng phát đời sống công nghiệp, có
nghĩa là cũng bùng phát lượng bà con nhập cư tràn về, nhiều vấn đề nảy sinh, tích
cực nhiều song tiêu cực và bĩ cực cũng không là ít.
Lượng người nhập cư bùng phát sản
sinh ra một lớp trẻ em chịu thiệt thòi : con các cô công nhân lỡ dở không có
cha đã đành, vì không là cư dân sở tại thì cũng khó khăn trong vấn đề làm khai
sinh tại nơi cư trú. Hoặc một số dân bản địa, hào hứng bán đất đổi đời, đất hết,
tiền tan, quay lại trắng tay, giật mình nhìn lại con cái hư hỏng quá tuổi đến
trường đến lớp...
Có rất nhiều lý do để một trẻ có hoàn
cảnh thiệt thòi, dù chúng không chọn cửa để sinh ra, chúng không có lỗi.
Các sơ dòng đức bà truyền
giáo nhận thấy rõ thực trạng ấy, và
như những người mẹ thương xót đám con khờ, các sơ gầy dựng lên ngôi trường này,
vượt bao lao nhọc, ngõ hầu có thể giúp các em. Giúp đơn sơ cho qua cái chương
trình tiểu học biết đọc biết viết đã đành, giúp sâu giúp dài là dạy dỗ các em
đạo hạnh làm người, làm con người có phẩm giá ngay trong nghịch cảnh...
Muốn giúp trẻ, không phải là cứ lao
vào giúp là xong, khó khăn là còn phải vận động để cha mẹ chúng cộng tác tích
cực hơn, bởi với họ, nghèo học nhiều thì làm chi, cứ đi lượm bọc làm mướn làm
thuê lại có cái ăn ngay bỏ miệng.
Nói cho họ hiểu mà nói chay là khó
lắm, lại ghé vai gánh giúp họ cái nhọc nhằn, thế mới nảy sinh ra cái chương
trình phụ tặng gạo để các cháu có bữa ăn sáng tại gia trước khi tới lớp. Nhìn
bàn tay mảnh mai của người nữ tu đong từng lon gạo gửi bà con, thiện nguyện
chúng con tưởng như sơ đang đong cả thương yêu trút vào trái tim chai sần cằn
khô của những phụ huynh khó nhọc.
Tháng năm cứ trôi, mái tóc các sơ từ
ngày đầu dựng trường nay đã bạc tuyết sương, mới đó mà cả hơn hai mươi năm, từ
1994 tới giờ, các sơ đã bao lần dắt các con mình tới trường nhà nước thi ghép
với bạn bè đồng trang lứa. Có nước mắt rơi khi con học tiếp cấp hai, có nước
mắt rơi và cả nụ cười khi hiếm hoi con mình vô cấp ba, đậu đại học. Một bước
chân con bước ra đời ồn ã, thêm một đêm mẹ trong dòng cầu nguyện ngóng tin con.
Ai bảo các nữ tu không làm mẹ trần gian, nơi ngôi trường thánh tâm
này, đức làm mẹ đã trải nghiệm ở những cung bậc nhọc nhằn gian khó nhất.

Khi thiện nguyện tín thác
trao quà cho các em, chúng tôi lặng đi khi nghe sơ sẻ chia : với các em mua một
trái bóng bay cũng là điều mộng mơ vì gia cảnh chúng quả là thiếu thốn...
Xin cho chúng con, thiện nguyện tín thác,
sáng xuân này được dừng chân ở nơi đây, góp chút củi lửa cùng các sơ, lo cho
bầy trẻ để cuộc sống của chúng thêm tươi hồng và ấm áp.
Chúng con cũng băn khoăn, day dứt
trước những lo toan của các sơ, ví như một vạt vỉa hè chưa kịp làm xong, cà
khách lẫn trò tới trường tạm đi bằng cửa hậu...
Bóng bay rợp sân trường, và tiếng trẻ
rộn ràng, chia tay, con chợt nhận ra vạt nắng xuân nhảy nhót trên mái đầu điểm
sương của vị nữ tu hiệu trưởng ngôi trường đặc biệt.
Thôi thì, cuộc đời vẫn còn gian lao
lắm, xin nhận lấy ánh mắt rạng rỡ và bước chân tung tăng của trẻ thơ làm quà
Xuân dâng các Mẹ.
Và chúng con những thiện nguyện viên,
trong phút giây lắng đọng nghỉ ngơi giữa cuộc hành trình, xin được tặng các Sơ
những chuỗi kinh đẹp nhất thêm nơi cầu nguyện. Mong chúc thiên chúa
của xót thương bổ sức cho các bà mẹ đa đoan, chúc các sơ bền chí kiên vững nâng niu những mầm non èo uột khốn khó
trên mặt đất khô cằn. Và chúng con tin, những mầm tí hon khẳng khiu ấy khi được
Mẹ chăm sẽ Lớn !
THU HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét