NHỮNG BƯỚC CHÂN KHÔNG MỎI
1 – Hớn Quảng – Ánh sáng đức tin trong cảnh đời tối tăm
Suốt cả đêm vợ chồng Trần Vĩnh thức
trắng. Họ cặm cụi chuẩn bị thịt, gia vị, và nổi lửa.
Hai vợ chồng nhà ấy làm xong mấy chục
ổ bánh mỳ kẹp thịt thì kim đồng hồ cũng chỉ ba rưỡi sáng, Anh Vĩnh dặn vợ chịu
khó đi phiên chợ sáng một mình, còn anh thì quày quả với bao bánh mỳ nóng và
thơm phức, ra điểm tập kết kịp chuyến xe sớm cùng anh em thiện nguyện lên đường
đi Bình Phước.
Anh Vĩnh, một người giáo dân làm nghề
bán thịt bò ở chợ tân bình, đã gắn bó với thiện nguyện Tín
Thác nhiều tháng năm, mà từ buổi ban đầu vừa làm thiện nguyện vừa tham gia cộng
đoàn lòng Chúa xót thương, mọi người còn gọi nôm na là những cánh chim xanh, bởi
sự nhiệt tâm phục vụ. Sau này khi trải qua gần sáu năm phục vụ, và hấp thụ linh
đạo lòng Chúa xót thương, các bạn mới nhất trí chọn cho mình một cái tên đẹp
lòng Chúa là : Tín Thác ! Suốt mấy năm, anh Vĩnh làm công tác hậu cần phục vụ
anh em, những chuyến công tác xa như chuyến đi Bình Phước hôm nay, sự chuẩn bị
chu đáo của anh chị Vĩnh là vô cùng cần thiết và quí báu.
Tại ủy ban nhân dân xã Tân Khai, thành
viên của chi hội người mù tỉnh Bình Phước đã tới đón đoàn, ngoài thành phần là
cô chú thành viên của chi hội người mù huyện Hớn Quảng, còn có thêm một số đồng
bào bị khuyết tật, đồng bào Stiêng gia cảnh khó khăn, trong khả năng của mình
thiện nguyện Tín Thác cũng cố gắng thu xếp 220 phần quà biếu bà con đón tết,
Tín Thác cũng cố gắng chọn những phần quà thiết thực phục vụ đồng bào đó là : chục
gạo, thùng mỳ, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt và muối i–ốt. Các bạn cũng cố gắng
dành thêm một quả bóng bay rực rỡ là quà tặng thiếu nhi, đây chính là món quà
mà các bé háo hức nhất.
Thiện nguyện viên tới Tân khai khi nắng vừa lên, chạy thâu hơn
bốn tiếng trong đêm lạnh, chút vất vả được bù đắp khi gặp mặt đồng bào. Chị thị lía
là một bệnh nhân khiếm thị bẩm sanh, lại còn bị tật khó khăn trong đi lại, người
hàng xóm cho biết, bản thân chị cũng nghèo khó cơ cực, có dịp quà từ thiện
nguyện viên, chi hội người mù Hớn Quảng thường tặng phiếu cho cả hai chị em, chị
sẽ là đôi chân đưa chị thị lía đi lãnh quà rồi lại đèo về, nhìn
cái xe đạp lấm bùn đỏ và hình dung chị chở hị Thị Lía qua quãng đường nhọc nhằn,
thiện nguyện viên chúng tôi rất xúc động.
Tổ chức tặng quà cho đồng bào khiếm
thị và tật nguyền là một thử thách Chúa gửi cho thiện nguyện viên Tín thác, bởi vì không nhìn thấy đường, nên
bà con di chuyển khó khăn, có người đi bộ đến tay không, vậy phải làm sao giúp
đồng bào, cho tới nơi tới chốn.
Thôi thì chọn phương án : tất cả đồng
bào có phiếu nhận quà thì...ngồi xuống, cứ chỗ râm mát mà ngồi và cứ việc ngồi...im.
Thiện nguyện viên sẽ xếp phần qua cạnh từng người, sau đó ai có người nhà thì
tới nhận hàng, người khiếm thị đã có thiện nguyện viên dìu ra tận lộ.
Đối với đồng bào đi có một mình, chúng
tôi chuyền hàng và người ra tận đường lộ, đón xe để đồng bào ra về, thấy thật
dễ thương khi bất cứ ai qua đường cũng có thể chở thành tài xế giúp bà con :
một anh xe ôm, một bác xe thồ, thậm chí cả một xe cày cũng dừng lại chở dùm một
cô khuyết tật.
Ông Nguyễn thanh Lâm đại diện chi hội người mù huyện Hớn Quảng nói : toi6
vui, và quá mừng, bởi bản thân tôi cũng không biết cách chi chia sớt anh em
ngày xuân, mừng quá, có Tín Thác tới, vậy là anh em trong chi hội người mù tết
này ai cũng có quà cả!
Chuẩn bị rời Tân khai, một thiện nguyện viên được một cụ
khiếm thị lớn tuổi níu lại, đầy xúc động bác cho biết :
Bác là nhà văn Hoàng hải thủy
từ thời trước năm 1975, sau đó có đi cải tạo học tập mười năm, dù không có đạo
song ở trong tù bác lại gặp một người linh mục nên biết được lời Chúa, ra trại
hơn năm sau cụ mù hết hai mắt song nhờ chút vốn lời Chúa trong tù học lóm
mà bác đi qua biến cố cuộc sống nhẹ nhàng, giờ cụ sinh hoạt ở hội người mù,
nay đi lãnh quà tết được gặp con cái Chúa bác mừng vui quá, hỏi bác sẽ về nhà
bằng cách nào, bác cho biết một người hàng xóm đã tình nguyện chở cụ tới !
Tạ ơn Chúa cho bác của để dành là lợi
Chúa, cảm ơn một người dù mắt không sáng lại cho chúng con bài học quí giá vô
cùng : Lời Chúa và sự thương xót của ngài sẽ quan phòng cho con người ta mọi sự.
Cảm ơn Cụ Hoàng hải Thủy.
2 – Thanh An – nơi an bình của Lòng Thương xót Chúa
Tạm biệt chi hội người mù Hớn Quảng, chúng
tôi đi tới giáo xứ Thanh An, tháp chuông vút cao lên bầu trời xanh ngắt trong
ngày nắng cuối năm rạng rỡ như dấu chỉ báo rằng : ta đang ở đây, thiên Chúa giàu lòng thương xót đang ở
đây, các con hãy cố gắng.
Không rực rỡ như nắng ngày cuối năm
đang đổ tràn trên những vạt cao su, vị linh mục "áo rách" gày gò mảnh
mai của Thanh An đón chúng tôi và ngài chia sớt sự vất vả nhọc nhằn trong đời
truyền giáo tại Bình Phước nói chung và Thanh An vói riêng, nhất là truyền giáo
và giữ đạo cho bà con vùng đồng bào dân tộc. Cha Mactino Nguyễn Viết anh dũng
vốn xuất thân là một chàng trai xứ đạo gốc khu tân việt, tân bình,
theo lời Chúa cha chọn đời tu hành, và cha bảo : Chúa gọi, bề trên giao, thế là
hồn nhiên xách va ly lên vùng đồng bào Stiêng – Bình Phước.
Bà con Stiêng trước giải phóng từng
có đạo, sau đó cuộc sống khó khăn, bà con nhiều người bỏ đạo lo phá rừng kiếm
cái ăn, lối sinh hoạt manh mún, độc canh kém hiệu quả. Họ bỏ đạo, dạt theo
những vạt rẫy du canh, người linh mục trẻ tới vùng đất nay sau hai đời linh mục
đã ra đi mà Thanh An việc truyền giáo vẫn còn bộn bề trăn trở.
– phải
hiểu đồng bào – cha cho biết thế – Hiểu rồi,
sẽ lại giúp họ tiếp xúc với ánh sáng của văn hóa văn minh. Cha kể một câu chuyện
vui, khi tiếp quản nhà thờ cha tiến hành xây dựng nhà...vệ sinh trước. Ngày có
nhà vệ sinh đồng bào vô rồi…chẳng chịu đi ra. Cha phải giảng giải cái nơi đó
các con vô rồi phải ra nhanh để phục vụ người khác, thì có đồng bào trả lời :
con không muốn ra ngay vì mát, sạch và đẹp quá ! Cha sở cười xòa : phải học cách
lắng nghe từ những sự tưởng như rất giản đơn, ngô nghê như thế.
Biết được khó khăn và trăn trở của
người mục tử nơi cánh đồng truyền giáo gập gềnh này, ngoài hai trăm phần quà
phụ cha lo tết cho bà con nghèo Stiêng, Tín Thác đã rất tế nhị tiếp lửa cùng
cha khi còn có thêm hai mươi phần học bổng là tập vở và 500 ngàn tiền mặt để
động viên các học sinh chăm ngoan bám trường bám lớp.
Khi những quả bóng bay rực rỡ giơ cao,
những đồng bào hớn hở lễ mễ quà, ánh mắt vị mục tử như rạng ngời, cha cũng
thương chúng tôi nhọc nhằn nên đã đãi một bữa cơm thật ngon và thật vui, cha
con chúng ta cùng tạ ơn cảm tạ Lòng Thương xót Chúa.
3 – An Khương – bài học của đức khó nghèo.
Rời Thanh An đi tiếp tới giáo điểm An
Khương, cha sở Thanh An còn dặn, đường đó khó đi, tài xế cẩn thận, các con đi
trước chút cha cũng ghé đó, hôm nay cha An Khương đi vắng, cha Thanh An sẽ dâng
lễ dùm, chúng tôi háo hức nghĩ tới được dâng lễ cùng đồng bào Stiêng, được biết
thêm một dân tộc đồng bào, biết thêm một miền đất in dấu lời Chúa quả là háo
hức...
Song...đường đi chẳng giống lòng
người, chúng tôi xuyên qua rừng cao su và con đường hẹp gập gềnh, lại có những
con dốc cao và đoạn đường cong nhỏ hẹp nghiêng cả xe, trong đoàn có một số anh
chị em kiều bào từ xa xôi về, đã hết sức ngạc nhiên, cũng có sợ, và cũng rất
kích tích vì thấy : sao giống tham gia phim hành động quá vậy !
Đi mãi, nhìn mãi không thấy bất cứ
một nhà thờ nào, xe bỗng dừng, và người đồng bào dẫn đường, giới thiệu : nhà
thờ đó.
Từ ngạc nhiên chúng tôi lặng người vì
sững sờ nhà thờ là một căn...chòi với chiều ngang mười tấm tôn, bốn cây cột
đứng và sáu vỉ kèo ngang, hai vách mượn tạm của nhà dân hai bên, chỉ có thế...
Càng xúc động hơn khi thầy Sĩ, thay
mặt cha sở cho chúng tôi hay : cái chòi lúp xúp gọi là nhà thờ này đã kiên vững
ở đây 12 năm, và cũng từng ấy năm người tu sĩ tóc đã điểm sương cố gắng giữ lời
Chúa.
Thầy Sĩ cho biết :
12 năm trước, một cái chòi được dựng
lên, chỉ là nơi cho đồng bào tụ lại cầu nguyện thôi. Cách nay năm năm cha chánh
về, ngài cùng với chính quyền cùng giúp nhóm dân tộc Stiêng làm những căn nhà
tình thương cho đồng bào định cư lại quanh căn chòi. Và lúc đó chính quyền
chính thức cho phép cha dâng thánh lễ.
Điều lạ lùng là hai người được giúp
nhà tình thương là anh điểu đơn, và anh điểu đao lại
thấy là thương ông Chúa ở trong chòi rách quá, thế là hai anh cho mượn hai bức
vách để cơi rộng căn chòi, Chúa ở chung tường với điểu đao – điểu đơn,
hai anh lại làm con Chúa và trở thành...giáo lý viên, xứ An Khương từ một nhúm
mười mấy người của mười hai năm giờ đã ngót một ngàn, và nhà nước trước nếp
sống thiện lành của giáo dân An Khương, đã cấp đất, cấp giấy phép để tháng năm
này An Khương sẽ xây nhà thờ mới.
Lạ nữa là trong căn chòi rách nát chiều
thứ sáu nào cũng có giờ lễ lòng Chúa
xót thương, dì thuận, người hát
ca đoàn cho hay : yêu Chúa lắm vì Chúa thương mình, Chúa cho con cái đồng bào Stiêng
giờ cũng biết làm ăn bớt đi vào rừng sâu, chúng nó giờ đi học có đứa về thành
phố làm, nơi có cái nhà tờ to và đẹp, bà già ở đây phải hát lễ thay thanh niên,
hát không hay nhưng Chúa thương, ngài không có bỏ.
Khi chúng tôi tiến hành trao quà thì...tràn
ngập trẻ con, những trẻ con đi chân đất thò lò mũi xanh, có đứa chẳng mặc quần
lon xon chạy, vấn đề sinh nở với đồng bào nơi này cũng là một việc phải lưu tâm,
làm sao để bà con ý thức lời Chúa, và thực vành nếp sống văn minh là điều cần
rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có sự góp phần tích cực của chức sắc Công
giáo, các giáo lý viên, tới nơi này, chúng tôi mới nhận ra, trong cái nghèo khó
hình như Chúa lại được ngự thảnh thơi và nhẹ nhõm, cái nghèo khó sao mà hồn
nhiên lắm, sao mà đơn sơ. Đôi khi ta có nhiều, ta sang giàu, thì thường quên Chúa
và ta đâm nhạt nhẽo ?
Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà thị Dzép ngồi ôm ba cháu ngoại quanh
gốc cao su, bà bảo : con trai tao chết rồi thiện nguyện viên ơi, tao coi cháu ngoại
cho con dâu đi rẫy, tao mang cháu ngoại tới đây chơi với Chúa mỗi ngày. Tao
không có buồn nữa đâu vì cha xứ bảo con tao được ở cạnh Chúa rồi, vậy là nó
sướng hơn tao rồi. Đứa cháu nhỏ rúc vô cái ngực lép của bà ngoại gặm…cây thánh
giá nhựa ngon lành. Bà Thị Dzép bảo là : nó toàn gặm Chúa đóng đinh rồi ngủ
trên ngực bà vậy đó.
Rời Bình Phước mà cụ thể là rời An
Khương về thành phố trong đêm, có chút nghẹn ngào, có chút cay mắt vì thương đồng
bào, thương Chúa vẫn kiên trì ở lại trong căn chòi rách. Chúng con mong ngày An
Khương có thánh đường, cha về đó ngắm đoàn con, và đổ tràn ân sủng lên đồng bào
nơi đây để họ vơi đi khó nhọc.
Tạ ơn Chúa ! Haleluia!
THIỆN NGUYỆN TÍN THÁC
SÀI GÒN
2-2-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét