ĐỂ BƯỚC CHÂN SÁM HỐI NỞ HOA VIỆC THIỆN
Mùa chay, mùa của sám hối và ăn năn, mùa của tín đồ Công Giáo soi lại bản
thân mình dưới ánh sáng lời Chúa.
Năm nay lễ tro mở đầu vào mùa chay
lại đúng dịp ba mươi tết cổ truyền, như một ý định của Chúa muốn chúng tôi
trong ngày cuối năm, bên mâm cơm gia đình, có dịp đoàn tụ bên nhau như một cách
cầu nguyện chung để cùng phấn đấu…
Một nhóm thiện nguyện viên viên chúng
tôi nảy ra sáng kiến, bớt chút thời gian tìm tới những đồng bào khác tôn giáo,
thăm hỏi và trải nghiệm mùa chay, tích cóp chút vốn thực tế để ngày lễ tro mở đầu
mùa chay, có được những chia sẻ cụ thể cùng người thân, chúng tôi nhận thức
rằng, song song với cầu nghiệm, sám hối, thì trải nghiệm thực tế là rất cần
thiết.
Chúng tôi chọn khu dân cư phường 12
quận gò vấp - khu đường phạm
văn bạch - tân sơn, khi đến khu vực này là lúc phố
phường sắp lên đèn, thấy cảnh một số phụ nữ, trong đó có những em còn quá trẻ
trung, trang điểm môi mặt đậm đà, ăn mặc hở hênh tỏa ra trên các ngã đường,
lòng chúng tôi xót xa, cũng là một phận con người, song vì lý do nào đó đẩy
đưa, họ phải mang chính xác thân mình dìm vào đêm thẳm tối tăm, đổi lấy miếng
ăn, của là đau xót. Mới thấy có một mái nhà được ở yên với con cái cũng là may
mắn xiết bao, tạ ơn Chúa thương bảo bọc chúng con, cũng xin cha nhân lành giải
gỡ bao mảnh bướm đêm ra khỏi tăm tối và nhuốc nhơ. Với các hoàn cảnh này, chúng con
xin dâng lên cha lời khẩn cầu trong mùa chay, hầu mong chị em có con đường ra
thanh sạch.
Và thiện nguyện viên lại đi tiếp, rẽ
vào một hẻm nhỏ có vẻ vắng vẻ hơn, dừng lại ở một căn nhà nhỏ mà cửa thì đóng
im ỉm.
Đây là căn nhà của ba hộ cùng quê ở
ghép, họ đi làm cả, chúng tôi đến thăm một trong những thành viên của nhà này,
chị ấy trốn trong nhà, không dám đi làm vì một lý do éo le : trốn nợ.
Sau khi gõ cửa, và một người quen gọi
thì thào : em nè. Thì có tiếng người rón rén đi ra ra và nhè nhẹ mở khóa.
Chúng tôi vừa vào, chị vội kéo kín
cánh cửa.
Trong tối lò mò, thấy trước mặt là
một người đàn bà nhỏ xíu tong teo, làn da sạm đầy khắc khổ.
Chị loay hoay và ngại ngần, cuối cùng
cả chủ và khách ngồi chung dưới dất.
Chị ấy là lê hà t. nhà ở đường nguyễn nghiêm
thành phố quảng ngãi. Tiếng là phố thị nhưng ai cũng
biết quảng ngãi là một xứ nghèo. Sau vài cơn bão,
phố xá vắng teo, người ta rủ nhau, có nơi là cả làng, phố dắt díu nhau vào
thành phố hồ chí minh
kiếm sống.
Và trong cái dòng chảy di cư với đi
kiếm cơm ấy có cả gia đình chị.
Chị cho biết nếu trụ lại quê hương
thực sự hai con chị sẽ thất học, mà chị thì thương con, người chồng bị viêm
xương nằm khan, thôi thì dắt nhau theo người làng vô sài gòn rồi
tính.
Với tính lam lũ của một phụ nữ tảo
tần, chị nhanh chóng tìm nơi ở, phương án ở ghép là phương án phổ biến của đồng
bào quảng ngãi. Ba hộ thuê chung một căn nhà trọ, ngày đi làm, tối về
chỉ cần chỗ ngả lưng coi như là ổn.
Chị t.
cho con học ở một trường điểm ở quận tân
bình, bởi hai đứa con chị học rất
giỏi và ngoan, từ sâu thẳm cõi lòng chị muốn các con đổi đời bằng sự học.
Và chị chọn nghề bán bánh tráng trộn
ngay cổng trường, vừa kiếm tiền, vừa giám sát trong nom hai con, khu vực này sơ
sẩy là mất con, chị rất sợ.
Những tưởng chị có thể bình an, nuôi
con học và chăm người chồng ốm.
Vậy mà bỗng tai bay vạ gió. . .
Đứng bán, chị quen bạn hàng, cũng
nghèo như mình và cũng xa xứ
Một ngày nọ chị bạn bán bánh cuốn có
chuyện không may, chị t. vì
thương bạn, mới mang cuốn hộ khẩu miền trung của mình thế nợ cứu chị bánh cuốn.
Dè đâu chị bánh cuốn họa nhỏ thành
họa to, quẫn bách đêm mới dắt con trốn biệt.
Cháy thành vạ lây, chị t ngơ ngác, và lại xui hơn chị sau một
ngày đi bán mắc mưa chạy ra cảm sốt thương hàn, chị nằm cả tháng trời, đến khi
ngóc đầu lên trong túi không còn một đồng, đã thế anh chồng viêm xương cũng
hành đau, những bạn ở cũng nhà dù nghèo cũng hùn hạp giúp chị và hai con qua
cơn ngặt nghèo, may mà các cháu vì có tình thương của người làng nên không bỏ
học.
Bây giờ chị sợ, sợ là vì cuốn sổ cầm
người ta chưa chuộc về, bản thân chị chưa nợ nần ai bê trễ bao giờ, nỗi sợ
khiến chị không dám ra ngoài, sợ người ta đòi đã đành, chị bảo : ông chồng mà
biết thì ông lột da, cả đời ông ấy chưa làm điều gì xấu xa, em vì thương bạn
giờ gây ra nông nỗi.
Thiện nguyện viên chúng tôi đã tìm
hiểu kỹ càng, người cho vay cũng xác nhận và nói rằng : biết hoàn cảnh chị như
thế, họ sẽ không lấy lời, nhưng tiền gốc vay thì phải trả!
Khi chúng tôi thông báo sẽ gỡ cho chị
cái hạn này, chị òa khóc và chắp tay lạy chúng tôi như tế sao, chị xin không
nên đưa cụ thể thông tin về chị kẻo các con chị chúng biết sẽ tủi thân, người
miền trung trọng chữ tín làm đầu, vì giúp người và thêm cái hạn ốm đau xo dụi
thế này, chị vô cùng day dứt.
Chị vội vàng khoác cái áo, gạt nước
mắt và cười, việc đầu tiên chị làm là chạy ra phố chợ chuộc cuốn hộ khẩu về, và
kéo cánh cửa cho thoáng căn nhà, mấy hôm nay rồi chị đóng cửa ngồi co ro u uất.
Có thể với người dư dật hai triệu
đồng không quá lớn lao. Nhưng với người đàn bà bé xíu ốm o, nó là cứu cánh
khiến chị giữ được lòng tự trọng, nhân cách trước các con, chị run run xếp lại
mấy cái bằng khen của hai cháu và bảo rằng : các cô đến đây thật sự là cứu tôi,
tôi như cất cái gánh nặng ngàn cân trên vai, trong ngực.
Thương chị, trong báo cáo đầu tiên
của mùa chay gửi tới vị mục tử linh hướng của thiện nguyện viên, chúng tôi sẽ
viết về những quan sát của mình về những số phận đàn bà nơi một khu dân cư: qua
những gì quan sát thấy, chúng tôi nhận ra ơn Chúa đang ban cho bản thân và gia
đình, chúng tôi cũng nhận ra cái thông điệp của Thiên Chúa : cuộc sống là muôn
màu, mỗi người có mỗi số phận khác nhau, người may mắn nên chia sớt cho người
lao nhọc.
Hình ảnh người phụ nữ buôn gánh bán
bưng khóc ròng chắp tay xá các tình nguyện viên cũng cho chúng tôi bài học :
với con người chữ danh dự trọng dường bao, chị vì bạn mà mắc nợ nẩn, không
phung phí tham sân, một lời trách bạn cũng không, mà lời cảm ơn người gánh nợ
chút dùm mình thì đầy đặn và trọng thị. Mong chúc chị mau chóng ổn định bán
buôn, tiếp tục nuôi con thành tài, và không còn đau ốm lo sầu nữa.
Mong sao mỗi con người luôn là cánh
cửa luôn mở để đời vui hơn, như hình ảnh người đàn bà vui mở cửa chiều tối này
khi không còn sợ hãi sau mấy ngày trốn nợ.
Rời khu dân cư khu vực quận 12 gò vấp,
lòng thiện nguyện viên cũng thấy nhẹ nhàng, nhận ra mùa chay không chỉ là xé áo
rền rĩ khóc than, mùa chay nên là bước chân ra đi để tinh thần sám hối nở thành
hoa của thương yêu và chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét