Tìm một mùa xuân sớm
Mùa xuân sẽ về, như qui luật vốn
vậy.
Nếu thế thì có gì để kể cho nhau, hay sẽ năm này như năm qua, kẻ đi xa
tìm về nhà, tụ họp trong mái gia đình, rồi ăn uống chúc nhau hạnh phúc…
Nếu thế thì hạnh phúc tròn trịa đơn giản quá, ta sẽ quên mất quanh mình
có những người không có mùa xuân, nào những bước chân, hãy cùng nhau đi tìm một
mùa xuân sớm, xem sao, xem nàng xuân trốn nơi đâu, và những người chẳng mấy khi
biết tới gió xuân hây hẩy, nắng xuân nồng họ đang ở đâu nhé.
1 - Xuân nơi bãi rác bãi đời.
Bạn ở cách chúng tôi nửa vòng trái đất, bạn tự cho biết về cuộc sống bạn
quá may mắn và đủ đầy, song le, điều đấy không làm cho bạn vui, bạn vẫn thấy
thiếu, thiếu một cái gì đấy mà bạn cũng chẳng định hình ra, vậy bạn đi cùng
chúng tôi bạn nhé.
Này bạn ạ, nơi này cách thành phố chẳng bao xa, nó khuất và nó nghèo,
thành ra ngay cả một tài xế nơi phố thị nghe tên cũng cứ tưởng là rất xa, mà
bởi quả thật anh chưa từng đến nơi đó.
Vâng đó là địa danh của một bãi rác lớn nhất nước ta, trong địa giới hành
chính xóm nhỏ ấy là xóm nghèo nhất của một khu phố nghèo, thuộc một xã nghèo
nhất của cái huyện nghèo cũng nhất luôn, nó là điểm cuối của cực đông Thành phố
hồ chí minh : “ngã
ba sung sướng” - xã đông thạnh .
Không riêng bạn ngạc nhiên mà cả nước đã từng ngạc nhiên và thú vị về một
cái xóm được gọi là “ngã ba sung sướng”, muốn hiểu được thì phải ngược về quá
khứ 20 năm, ngược trở về lần lần ra cái thực tại thì bạn sẽ hiểu.
Đó là một nghĩa trang mênh mông mả tổ ong, sau này người ta chôn thêm thế
là lại có những cái mả gạch mới.
Bãi rác giải thể. Người dân sống bằng nghề bới rác tứ tán khắp nơi, có
những hộ nghèo không thể nghèo hơn dạt về bám trụ ở rìa nghĩa trang này, người
chết đành nhún nhường người sống thôi, và xóm của người sống phình ra xen kẽ
cùng kẻ chết.
Đa phần dân số ở đây không nghề nghiệp, họ mưu sinh bằng đủ những công
việc thời vụ nhọc nhằn : đàn ông đi phụ hồ, làm vườn, phơi phân bò thuê… Đàn bà
giặt mướn, cạo vỏ hạt điều thuê, cái giải trí duy nhất là tám tít, chiều chiều
biên dăm ba con đề, oánh nhau, và dần dần thăng hoa thành xì ke, trộm vặt..
Chả ai muốn sống thế, song cuộc sống cứ thế thôi, xóm cất một cái chòi ở
nghĩa trang và đó là trung tâm…sung sướng.
Nười ta sung sướng ngồi ngáp vặt khi không có việc làm, sung sướng tán đề
và mừng vui nếu trúng một món nhỏ.
Sau này cùng với sự nỗ lực của chính quyền nhằm thay đổi tình trạng nơi
đây, trong sự thay đổi từng ngày, xóm nhỏ này trở thành một trung tâm sung
sướng hết sức đặc biệt.
Ấy là có một nhóm tình nguyện viên quyết tâm bám trụ nơi này, bất kể năm
tháng dài, tính ra cũng gần mười năm rồi, đem đến cho nơi đây chút sung sướng
hoàn toàn mới mẻ.
Đầu tiên phải làm cho trẻ em thực sự sung sướng, thế là nơi đây bắt đầu
có tết trung thu, xa xa hơn nghĩ tới học hành, có những cuộc điều tra ngấm ngầm
để lên danh sách tập vở, sách giáo khoa cho trẻ em có hoàn cảnh nhà neo ngặt.
Bước thêm một bước là tiếp cận thanh niên có vấn đề, khi thương người ta
dám sẻ chia, dám nói ra nỗi đau của mình, và đó cũng là sung sướng!
Và phải nghĩ tới ổn định dài lâu lại có những phi vụ làm KT3, làm đồng hồ
điện giúp nhau, và có những sẻ chia vui vui khi lễ lạt này kia, tuy chả mấy ai
có đạo nghĩa gì, song giáng sinh đã có những mũ đỏ tới thật là vui, hát hò,
chia quà cho trẻ thơ, phần sữa cho người già đau bệnh...
Và năm nay là tròn mười năm bàn chân tình nguyện gắn bó tới nơi này, quả
tình là đôi bên đã rất chi sung sướng !
Và buổi đại tiệc với một trăm bảy mươi phần quà tưng bừng này là để tình
nguyện viên, bà con, và cả bằng hửu xa xôi gặp nhau, ta sẻ chia với nhau niềm
sung sướng.
Ừ thì ồn ào lao xao lắm đó,
vui cũng có, mà hậm hực cũng không thiếu mà, thì cũng chì chiết đại loại như :
tui cũng khó mà sao nó có, còn tôi thì không có
Đồng bào ơi, thôi thì yêu nhau trái ấu cũng tròn, năm ngàn nhân khẩu cho
một khu phố nghèo, chúng em cố lắm cũng mới xoay xỏa ra 170 phần quà thôi,
nhường nhau đi mà, người có quà cũng vui, người không có xin cũng mong thấu
hiểu !
Rồi cũng ổn và rồi cũng phải chia tay, tình nguyện viên tạm biệt xóm nhỏ
này, nơi một bãi đời, đã có những nụ cười, những niềm vui, những sự kết nối
Tình nguyện viên ra đi mà tình còn để lại. Một con heo ủn ỉn làm quà, gây
một quỹ khuyến học cho ngã ba sung sướng, chúng tôi muốn thế hệ tiếp nối nơi
đây được học hành sáng sủa hơn, chữ sung sướng sẽ tươi rói theo đúng cái nghĩa
là sung sướng!
Điều mà bà con ngạc nhiên nhất là thiện nguyện viên bền bỉ tới nơi này
lại là một nhóm bạn công giáo và
họ có một tiêu chí là tất cả là tín thác và trông cậy vào lòng chúa xót thương - với họ giêsu từ nhân, giêsu thánh thể cần được yêu thương chính là bà con khó nghèo
ít học, trẻ con lem nhem của nghĩa trang rìa bãi rác - không cần tìm kiếm khó khăn,
đấy chính là giêsu, mà nếu quay
mặt làm ngơ là có lỗi!
2 - Trượt chân anh tới cầu dừa -
đừng chê xập xệ, em đưa xuân về
Đi tiếp với tình nguyện viên men theo con kênh Trần quang Cơ đen đặc rác thải, hôi mù, tới
một ngôi nhà tan hoang có cái tên Cầu Dừa, nghe thầy Quyền một trong những tu
sĩ gắn bó với nơi này sẻ chia, đã có nhiều tình nguyện viên nữ rưng rưng nước
mắt.
- Thì họ đã cùng đường, nghiện, nhiễm và bị bỏ rơi, họ vào đây, bệnh quật
ngã họ ngày cuối đời chủ yếu là lao phổi.
Ra vậy, cầu Dừa là một mái ấm thuộc Dòng Anh Em hèn mọn, nơi đây là chỗ
trú thân cho những con người chẳng còn cơ hội làm người, ham ăn ham chơi ham
chứng tỏ mình, họ như những con thiêu thân lao vào vòng xoáy thác loạn: ma túy,
đàng điếm kết cục là căn bệnh thế kỷ vướng vô, gia đình ngại ngùng. Nơi đây là
nơi họ nương náu ngày sau cuối.
Chưa hết khi các tu sĩ lập nên cơ sở này, nhiều người lén rinh tới đây
những người bệnh tật bất toại hoàn toàn, bỏ lại đó và trốn biệt, và cả trẻ em
mồ côi của những người nhiễm sau khi qua đời, cũng được mang tơi đây trú ngụ.
Các tu sĩ phải rất chật vật mới chu toàn thêm một chỗ ở nhỏ dành cho những cư
dân tội nghiệp này, các anh chàng ngổ ngáo một thời, nay ốm o được các thầy bố
trí ở một cụm chỗ ở cũng gần ở đó để tiện chăm sóc.
Mang mùa xuân sớm tới Cầu Dừa phải là một sự hết sức thiết thực, trước đó
thiện nguyện viên đã tới ghi nhận nhu cầu của anh em mình : ngoài các nhu yếu
phẩm như xà bông, dầu ăn, mắm muối đường...Họ rất cần chất tươi và rau xanh, đó
là thực phẩm mà nơi này còn quá thiếu thốn.
Và điều anh em cần nhất là được an ủi, cảm thông, khi thiện nguyện viên
đến thăm, có một số bạn còn ngại ngần bỏ trốn ra sau nhà bỏ lại những chiếc
giường trống.
Sự mặc cảm là có thật, xóa đi mặc cảm này cần sự cố gắng rất lớn của toàn
xã hội hôm nay, cần sự tác động của Chúa Thánh Thần, để người biết thương
người, sự sợ hãi sẽ dần lui, giao hòa yêu thương từ từ sẽ khăng khít.
“Mình về bên nhau mình
xót thương nhau, mình xót thương nhau ấy là yêu nhau. “
Để lời hát triển nở vào cuộc sống, bước chân một vài đội nhóm tình nguyện
như chúng tôi là rất đơn côi, cần phải có nhiều bước chân của rất nhiều người, của
chính bạn nữa đấy, chúng ta cần mang mùa xuân sớm hôm nay tới nhiều nơi anh em
mình còn thua thiệt, phải không.
3 - Hiu hắt xuân nơi tuổi già xế
bóng.
Mệt không ? Một tình nguyện viên hỏi khách xa cùng tham gia cuộc hành
trình ? - Mệt hơn cả đi làm, nhưng mà vui và thương quá....
Người bạn pương xa đã trả lời thế trong phút nghỉ chân giao lưu thăm hỏi
ở nhà tình thương Tân Đông. Nơi đây một thánh đường đẹp rạng rỡ dưới nắng xuân,
nhưng ẩn trong rạng rỡ ấy là cả một cõi thương rất đằm thắm.
Vùng ven đô thị hóa, bên cạnh cái được là đời sống vật chất nâng cao, thì
cái mất cũng rất chua xót, lòng người chia li, chữ xót thương, riềng mối gia
đình rệu rã, nhiều người già cô đơn bị chính người thân bỏ rơi, vị linh mục của
giáo xứ này đã nhường một phần khuôn viên vốn đã không rộng rãi của giáo xứ làm
nơi chăm nom các cụ già có hoàn cảnh như thế.
Trước khi tới thăm hỏi, tình nguyện viên đã liên lạc với cha sở, dù bận
công tác ngài vẫn dặn chúng tôi : cha cảm ơn chúng con tới thăm, lo vật chất
chăm sóc các cụ rất là quý, nhưng quí hơn là các con dành thời gian trò chuyện
với các cụ, người già như của kho, chất chứa bao điều, rất sâu sắc, các con
đừng bỏ lỡ cơ hội Chúa ban là làm nhẹ lòng bậc làm cha làm mẹ....
Quả vậy, khi tình nguyện viên thăm hỏi chuyện trò, mới thấy thương cãi
cõi của người già nua héo hắt : bà cụ Sáu thì vừa tai biến, Bà út thì mong nhớ con.... Có bà cụ thì
chẳng còn nhớ cả tên lẫn tuổi....
Nơi sân giáo đường chúng con quây quần bên tượng Chúa xót thương, cảm tạ
ngài đã thương yêu quan phòng, ban cho giáo hội những mục tử đẫm lòng nhân,
biết thương xót những cơ hàn bể nát, biết nâng niu những mảnh đời run rẩy già
nua, để khi chúng con tới được chiêm ngắm những Giêsu, đang và còn bị đóng đanh
nơi cõi sống này với vô vàn chua xót.... Chúng con xin gửi tới những “Giêsu”
già nua bất hạnh chút quà xuân, mong chúc các cụ thượng thọ bình an trong sự
che chở của xứ và lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa.
Rời tân đông điểm cuối cuộc hành trình chúng
con tới một bờ ao heo hút ở Củ chi, tới một lán tuềnh toàng chưa có tường vách,
nơi ấy cũng là nơi trú ngụ tá túc của những nước mắt và đau thương, và là chốn
dung thân chưa bình an của cả kẻ chết nằm trong những hũ tro cốt để tạm trên
một kệ nhỏ. Vì lý do hết sức tế nhị xin không thể ghi rõ về nơi này, chỉ biết
dùng lời kinh là sự nguyện cầu mong Thiên Chúa từ nhân đem hạnh phúc và tình
yêu tới những phận người quá đau xót nơi đây, một vài hình ảnh nhỏ của cư dân
nơi này xin chuyển tới độc giả.
Tới nơi đây, bỗng nghẹn ngào bỗng vang lên trong tim chúng tôi một câu ca
dao cổ:
Ăn mày là ai, ăn mày là
ta
Đói cơm rách áo bỗng ra
ăn mày
Vâng khép lại hành trình đi tìm một mùa xuân sớm, mong chúc những bước
chân đủ độ bền, để đi theo thầy Giêsu, tìm tới anh em đồng loại của mình, xoa
dịu những đau đớn trần gian ngày mỗi nhiều, tự thân chúng ta vốn chẳng đủ xót
thương. Xin Chúa xót thương và đẩy chúng con bước tiếp.
Và xin con người hãy biết xót thương nhau.
SÀI GÒN, 6/1/2015
THU HƯƠNG
THIỆN NGUYỆN TÍN THÁC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét